Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

[Kinh tế] -Tìm kịch bản cho chính sách tài khóa và tiền tệ

(HQ Online)- Nhìn xa về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) trong thời gian tới, theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong năm 2015 do áp lực lạm phát gia tăng (dự kiến khoảng 7,8%) thì Chính phủ cần thực hiện kết hợp CSTK và CSTT thận trọng hơn so với năm 2014.


Thủ tướng chỉ đạo chính sách tài khóa và tiền tệ phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, uyển chuyển hơn. Ảnh: ST

Tăng trưởng 5,8% là một thách thức

Chỉ đạo ngành Tài chính trong dịp tổng kết công tác tài chính- ngân sách cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục phối hợp linh hoạt giữa CSTK và CSTT trong điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững. Đánh giá cao nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ tài chính- ngân sách trong năm 2013 của ngành Tài chính, Thủ tướng ­­­­­cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế gần đạt mục tiêu đặt ra, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, xuất khẩu gia tăng, kinh tế vĩ mô ổn định trong khi thu ngân sách vẫn vượt khoảng gần 1% so với dự toán, khó khăn trong hoạt động sản xuất- kinh doanh dần được tháo gỡ. Thủ tướng đánh giá, kết quả trên có nguyên nhân cơ bản là CSTK và CSTT được điều hành phối hợp, nhịp nhàng, linh hoạt.

Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), thời gian qua, Chính phủ đã khá năng động trong việc thực thi các chính sách kinh tế nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó CSTK và CSTT là hai chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp nhịp nhàng.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho 5 năm 2011- 2015 là tổng sản phẩm trong nước bình quân 5 năm tăng khoảng 6,5% - 7% và chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5% - 7% vào năm 2015. Theo đánh giá triển vọng kinh tế thế giới của nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước thì các hoạt động kinh tế ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong năm 2014 còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và có những ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phục hồi kinh tế.

Bởi vậy mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% trong năm 2014 là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam. Hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 thấp hơn chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra. Một số dự báo cũng cho thấy năm 2014 tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 5,7% và tỷ lệ lạm phát là 6,9% và năm 2015 lần lượt là 5,6% và 7,8%.

Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh kiên định thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Chính phủ đã xác định rõ các mục tiêu cụ thể và quan điểm tái cơ cấu kinh tế, trong đó, nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tiếp tục đổi mới tư duy, phân định rõ vai trò chức năng của Ngân hàng Nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, gắn tăng trưởng kinh tế với kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện CSTT thận trọng, hiệu quả, sử dụng CSTK chặt chẽ, triệt để tiết kiệm…

Tăng chi tiêu để kích thích kinh tế

Trong một nghiên cứu mới đây, GS. Trần Thọ Đạt đã ước tính kịch bản kết hợp CSTT và CSTK dựa trên mục tiêu tăng trưởng và lạm phát mà Chính phủ đưa ra trong năm 2014. Theo đó, để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% và tỷ lệ lạm phát 7% năm 2014, đòi hỏi chi tiêu của Chính phủ năm 2014 tăng so năm 2013 là khoảng từ 12,7% đến 13,5% tương đương vào khoảng 117.959 -125.851 tỷ đồng.

"Nếu Chính phủ tăng chi tiêu theo kịch bản này thì năm 2014 chi tiêu của Chính phủ sẽ vượt dự toán ở mức 10,6% -11,4%. Mặc dù điều này có thể làm tăng thâm hụt ngân sách nhưng khi kích thích kinh tế đủ mạnh để duy trì được mục tiêu tăng trưởng thì nguồn thu của NSNN cũng sẽ được cải thiện", GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh. Tuy nhiên, cũng theo nhận định của vị GS. này, để việc tăng chi tiêu Chính phủ không ảnh hưởng nhiều đền hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần tăng cung tiền vào khoảng từ 17,3% đến 18,4% tương đương với lượng tiền tăng thêm vào khoảng 743.210 - 792.816 tỷ đồng.

Trên thực tế, CSTK và CSTT là hai chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng mà Chính phủ các nước trên thế giới sử dụng nhằm điều tiết tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Mặc dù các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy hiệu quả tác động của hai chính sách này là khác nhau ở các nước, song chúng đều có quan hệ bổ trợ lẫn nhau. Theo tính toán của GS. Trần Thọ Đạt, ở Việt Nam, CSTK và CSTT được Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất. Trong trường hợp nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra (tăng trưởng 5,8% và tỷ lệ lạm phát 7%) cho năm 2014, thì chi tiêu Chính phủ phải tăng so năm 2013 từ 12,7% đến 13,5% và cung tiền phải tăng từ 17,3% đến 18,4%. Tương tự để đạt tăng trưởng bình quân 2014 và 2015 là 5,65% và lạm phát bình quân là 7,35% thì chi tiêu Chính phủ phải tăng khoảng 13,7% đến 14,5% và cung tiền tăng khoảng 16% đến 17%/ năm.

Chỉ đạo ngành Tài chính và Ngân hàng vào thời điểm đầu năm ngân sách 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, CSTK và CSTT đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường sự hợp tác chặt chẽ hơn.

Theo Thủ tướng, việc điều hành CSTK và CSTT năm 2014 và các năm tiếp theo phải phối hợp chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn, uyển chuyển hơn. “Vì năm 2014, chúng ta phát hành khối lượng trái phiếu Chính phủ lớn chưa từng thấy (391 nghìn tỷ đồng, tăng 100 nghìn tỷ đồng so với năm 2013 và gấp gần 2 lần năm 2012). Vấn đề đặt ra là làm sao phải huy động đủ khối lượng trái phiếu để bù đắp bội chi, đảo nợ, đầu tư nhưng không để lạm phát quay trở lại, ổn định được tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô và không tác động tới thị trường tiền tệ”, Thủ tướng yêu cầu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét