Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

[Xã hội] -Cách mạng tháng Tám trong ký ức người Đình Bảng

Do có sự chuẩn bị chu đáo, chỉ trong một ngày, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám lịch sử ở xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh và tham gia giành chính quyền ở cấp huyện và tỉnh đã thành công. Chính quyền phản động của địch bị xóa bỏ hoàn toàn.

Nơi ra đời bản chỉ thị lịch sử

Trong dịp Đại hội lần thứ IV của Đảng, ngày 19-12-1976, Trung ương Đảng tổ chức cuộc họp mặt thân mật với đại biểu các gia đình có công với cách mạng về thăm Thủ đô và chào mừng Đại hội. Tại cuộc họp mặt này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã xúc động nhắc lại nhiều mẩu chuyện trước đây các đồng chí được nhân dân bảo vệ, che chở để hoạt động cách mạng. Trong đó, đồng chí Trường Chinh có nói tới cụ Hương Bổng ở làng Đình Bảng và nhắc lại câu chuyện cảm động về gia đình cụ, đã giúp đồng chí những ngày Nhật đảo chính Pháp.

Đồng chí Trường Chinh nói, chính ở nhà cụ Hương Bổng, đồng chí đã viết Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".

Hiện, nhà thờ họ của gia đình cụ Hương Bổng tại Đình Bảng vẫn còn lưu giữ ảnh chụp bài viết đăng trên báo Nhân dân về cuộc gặp mặt này. Cụ Hương Bổng và người con trai trưởng Nguyễn Tiến Giao, một trong những lão thành cách mạng của Đình Bảng, đều đã mất do tuổi cao, sức yếu. Ngôi nhà đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng trước đây, hiện chỉ có vợ chồng ông Nguyễn Tiến Di, con trai trưởng ông Giao sinh sống.

Ông Di kể lại: "Bố tôi hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ngày xưa, nhà tôi có hai cổng. Cổng chính nhìn ra đường cái, cổng phụ mở ra phía lũy tre. Lũy tre này to và rộng lắm, đạn bắn không qua. Từ nhà tôi có đường đi tới nhà cụ Đám Thi và cụ Hương Canh (các cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng của xã Đình Bảng). Năm 1945, tôi còn nhỏ nên chỉ nhớ khi nhà có khách là bố mẹ gửi tôi lên nhà bà ngoại chơi. Sau này, bố tôi kể lại, có các đồng chí lãnh đạo họp ngay tại nhà thờ năm gian của dòng họ. Nhà thờ này có hai gian buồng hai bên, trong đó, một gian buồng có cửa nách thông ra ngõ Cửa Lạch, từ ngoài nhìn vào không ai biết có cửa này. Nếu có động, cán bộ Việt Minh có thể thoát ra ngoài theo lối này. Những ngày diễn ra Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, mẹ tôi phục vụ cơm nước, còn bố tôi làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ vòng ngoài. Ông vờ kéo vó, câu cá ở ao để cảnh giới".

Hẳn mọi người còn nhớ, khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, tình hình chính trị ở nước ta lúc đó có những chuyển biến lớn. Đồng chí Trường Chinh nhận định: "Nhật sắp lật Pháp" và đã triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trương ương mở rộng vào tối 9-3-1945 ở Đồng Kỵ, thuộc phủ Từ Sơn, Bắc Ninh.

Tuy nhiên, cuộc họp vừa bắt đầu thì bị lộ. Các đồng chí dự họp đã chạy chéo từ Đồng Kỵ qua làng Sặt về chùa Dận thuộc xã Đình Bảng. Theo nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử của Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, thì khi về đến chùa Dận, sư ông tên Huệ đã giấu các vị lãnh đạo rồi sai chú tiểu chạy qua cánh đồng về làng, báo cho ông Giao người liên lạc của Việt Minh ở xã Đình Bảng. Ông Giao lập tức ra đón các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng ở Trung ương và đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, về nhà họp từ ngày 9 đến 12-3-1945.

Theo phân tích của ông Thìn, nhà ông Giao được chọn làm địa điểm dự bị để họp hội nghị quan trọng này, bởi đây là nơi dễ dàng thoát ra nếu bị lộ. "Làng Đình Bảng xưa có lũy tre rộng bao quanh, bên ngoài lũy tre là hào rộng 3m và sâu, qua hào là ra cánh đồng. Xunh quanh làng có nhiều cổng ra vào. Nhà ông Giao nằm ngay sát rìa làng, bên trong có vườn rộng với ao cá lớn. Quanh nhà ông Giao có nhiều lối thoát" - Ông Thìn nói.

Ngay sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng kết thúc, bản chỉ thị nổi tiếng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã được ban hành.

Già, trẻ cùng đánh giặc

Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn tiếp tôi trong căn phòng làm việc đầy ắp sách, báo tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông từng tiếp xúc, hỏi chuyện các lão thành cách mạng và tham gia biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đình Bảng, nên khá am tường sự hình thành và phát triển của Đảng bộ xã cũng như những sự kiện lịch sử trên quê hương họ Lý này.

Ông cho hay, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, từ năm 1940, Đình Bảng đã trở thành một địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam. Nhân dân Đình Bảng đã giúp đỡ, bảo vệ các đồng chí Trung ương Đảng và Xứ ủy đi về hoạt động. Tháng 8-1940, chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đình Bảng bí mật ra đời tại Đền Đô, do đồng chí Lê Quang Đạo (Nguyễn Đức Nguyện) làm Bí thư.

Từ đó, chi bộ lãnh đạo nhân dân địa phương làm cách mạng giải phóng dân tộc theo đường lối của Đảng. Tháng 11-1940, Trung ương Đảng đã bí mật họp Hội nghị lần thứ VII tại nhà cụ Đám Thi (ở thôn Thọ Môn, Đình Bảng) bàn chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong ký ức của lớp người già như ông Thìn vẫn còn nhớ rất rõ khí thế, tinh thần kiên quyết đánh giặc Pháp của người Đình Bảng. Không chỉ thanh niên, người lớn mà ngay cả thiếu nhi Đình Bảng cũng tham gia đánh giặc, trong đó, Đội du kích thiếu niên Đình Bảng đã trở thành một huyền thoại.

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đình Bảng ghi rõ: Ở nơi Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" ra đời, chi bộ Đình Bảng đã kịp thời lãnh đạo tổ chức nhân dân đi thu nhặt vũ khí do Nhật, Pháp bắn nhau vứt bỏ lại, để tự vệ vũ trang, đấu tranh chống địch đàn áp cướp phá, kiên quyết bảo vệ làng, bảo vệ nhân dân.

Mặt khác, tìm cách giải quyết nạn đói cho nhân dân, khắc phục những khó khăn trước mắt, tiến lên làm chủ làng xã. Chi bộ đã tổ chức hướng dẫn quần chúng hoạt động từ hình thức bí mật đến nửa công khai, tập hợp quần chúng của làng liên kết với nhân dân các xã xung quanh đấu tranh với địch.

Từ giữa năm 1945, phong trào cách mạng ở Đình Bảng đã rất mạnh. Chính quyền phong kiến không còn dám ngang nhiên chống đối cách mạng, đàn áp nhân dân như trước. Ngày 16-8-1945, nhận được chỉ thị khởi nghĩa của cấp trên, chi bộ xã Đình Bảng tổ chức hội nghị khẩn cấp quyết định tập trung lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền.

Theo đúng kế hoạch đã định, đêm 17, rạng ngày 18-8-1945, không khí chuẩn bị giành chính quyền nhộn nhịp, khắp nơi trong làng, trống mõ, tù và nổi lên liên hồi, người đi lại rầm rập. Chiều 18-8, hàng nghìn người từ các ngả đường đổ ra, nhập vào đoàn người tiến theo lá cờ đỏ sao vàng, tập trung đội ngũ chỉnh tề trong sân đình.

Sau lời khai mạc, đại diện Việt Minh lên tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, giới thiệu các thành viên của Ủy ban Giải phóng xã Đình Bảng. Mặt trận Việt Minh tuyên bố giải tán chính quyền địch, kêu gọi nhân dân ủng hộ chính quyền cách mạng.

Nguyễn Bích


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét