Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

[Nhà đất] -Đồng bằng sông Cửu Long: Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đe dọa nghiêm trọng các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều tuyến rừng phòng hộ xung yếu có nguy cơ bị xóa sổ. Nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng. Công tác ứng phó biến đổi khí hậu được các tỉnh lo lắng hơn bao giờ hết…



Sạt lở nghiêm trọng ở ven biển thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh)
Theo thống kê của các ngành chức năng, bờ biển Đông và biển Tây tỉnh Cà Mau có khoảng 80% bị sạt lở. Hiện trên 40 km đê biển đang có nguy cơ bị sóng làm sạt lở nặng. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hiện có 5 điểm sạt lở nghiêm trọng, 1 đoạn sạt lở nghiêm trọng chiều dài khoảng 15 km, thuộc huyện U Minh và 4 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với chiều dài gần 17 km, tập trung ở khu vực xã Khánh Tiến (huyện U Minh); xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) và xã Tân Hải (huyện Phú Tân). Thời gian qua, tình trạng sạt lở hệ thống bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tục xảy ra. Nhiều công trình dân sinh, kinh tế bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân…
Tỉnh Bến Tre có chiều dài bờ biển là 65km, trên 90% diện tích đất có cao độ địa hình từ 1-2 mét so mực nước biển, còn lại vùng thấp ven sông, biển chỉ dưới 1 mét, thường xuyên bị ngập khi triều cường. Bến Tre được nhận định là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo dự báo vào năm 2020 nước biển dâng 12cm, tỉnh Bến Tre với diện tích bị ngập là 272km2, chiếm 12,24 % diện tích, có khoảng 97.890 người sống trong vùng bị ngập. Vào năm 2050 nước biển dâng 30cm, tỉnh Bến Tre với diện tích bị ngập là 342km2, chiếm 15,39 % diện tích, có khoảng 102.054 người sống trong vùng bị ngập.
Để kịp thời bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực bị sạt lở nghiêm trọng ven sông, ven biển, thời gian qua, Cà Mau đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đầu tư trồng rừng phòng hộ; xây dựng trên 17km hệ thống bờ kè với mức đầu tư trên 511 tỷ đồng; thực hiện các dự án tái định cư ven biển để sắp xếp, bố trí tái định cư các hộ di dân tự do, các hộ ở cửa sông, ngoài đê biển. Trong đó, công trình kè ngầm chắn sóng được đánh giá là tối ưu tới thời điểm hiện tại với chiều dài khoảng 8,2km. Hiện tuyến bờ kè kiên cố chống sạt lở tại Mũi Cà Mau với chiều dài trên 2.700m đang được triển khai nhằm ứng phó với những cơn sóng dữ, bảo vệ mũi Cà Mau. Thời gian qua, Bến Tre được Ngân hàng thế giới và các tổ chức đầu tư một số công trình có trọng điểm mang tính bức thiết về công tác ứng phó biến đổi khí hậu. Từ năm 2011 đến nay đã được phân bổ vốn đầu tư là 95,243 tỷ đồng để triển khai đê biển Thạnh Phú và Bình Đại. Tuyến đê biển Ba Tri đã đầu tư 31km đê và xây dựng 11 cống qua đê bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Hiện công trình này còn 9 cống qua đê chưa được đầu tư nên vẫn chưa phát huy được tác dụng ngăn mặn.
Ở Trà Vinh, từ năm 2008 đến nay, Bộ NN&PTNT cũng huy động nhiều nguồn vốn đầu tư gần 115 tỷ đồng gia cố đê, xây dựng các tuyến kè. Năm 2014, Trà Vinh tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 để hoàn thiện đoạn kè tại xã Hiệp Thạnh có chiều dài 2.000 mét và gần 2.800 mét kè còn lại trong dự án xây dựng kè ấp cồn Trứng. Tổng nguồn vốn được phê duyệt hai dự án này gần 420 tỷ đồng.
Hiện các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu đang chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu rất cần Trung ương đầu tư phân bổ nguồn vốn để xây dựng các tuyến đê, kè chắn sóng bức thiết, cứu lấy các tuyến rừng phòng hộ, ngăn mặn xâm nhập nội đồng…
Quốc Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét