Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

[Nhà đất] -Thi công đê sông Bưởi, Thanh Hóa: Dân bức xúc chuyện bồi thường

Khi thi công công trình đê hữu sông Bưởi, do độ rung của máy móc, lu, lèn đã làm ảnh hưởng đến nhiều nhà ở, công trình dân sinh của người dân và đơn vị thi công phải đền bù. Thế nhưng, việc bồi thường thiếu công bằng đã khiến nhiều người dân bức xúc...

Báo NTNN nhận được đơn thư của một số hộ dân thôn Thạch Toàn, xã Thạch Định (Thạch Thành, Thanh Hóa) phản ánh: Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản (BQL CCTXDCB) huyện Thạch Thành và nhà thầu thi công công trình đê hữu sông Bưởi, đoạn qua thôn Thạch Toàn, bồi thường cho dân không công bằng, không đúng với thiệt hại do công trình gây ra.

Cụ Lê Thị Đang (90 tuổi) - mẹ liệt sĩ Phạm Cao Loan cho biết: Hiện nay cụ phải ở tạm với con gái vì nhà của cụ bị nứt đổ do thi công đê hữu sông Bưởi. “Từ khi họ làm nứt, đổ nhà tôi, tôi đã xuống huyện 4 lần nhưng không ai giải quyết. Hôm rồi, cán bộ bảo sẽ bồi thường cho tôi 10.523.000 đồng nhưng tôi chưa đồng ý nhận số tiền đó bởi không đủ để sửa nhà”- cụ Đang nói.

Chị Phạm Thị Trinh (thôn Thạch Toàn) cũng bức xúc cho biết: “Tường nhà chính, nhà tắm, chuồng lợn… nhà tôi bị nứt, UBND xã bồi thường 428.000 đồng, tôi bức xúc không nhận số tiền đó bởi nó không đúng với thiệt hại do công trình gây ra”. Còn ông Vũ Văn Tám phản ánh: “Nhà tôi sát chân đê, lẽ ra thuộc diện phải giải tỏa, nhưng họ không cho giải tỏa. Vì vậy, khi làm đê, nhà tôi đã bị nứt tường nhà, cột, gãy kèo nhà… họ chỉ bồi thường 2.767.000 đồng là không công bằng, tôi không nhận tiền và làm đơn kiến nghị lên huyện, nhưng không ai giải quyết cả”.

Sự việc kéo dài đã 3 năm, trao đổi với NTNN, ông Lương Công Thành - Chánh Văn phòng UBND huyện, cho biết: Ở thôn Thạch Toàn có 14 hộ bị ảnh hưởng khi thi công đê. Huyện đã bồi thường cho 11 hộ, còn lại 3 hộ chưa đồng ý với mức bồi thường. “Việc này, huyện đã giao cho BQL CCTXDCB xuống làm việc, nhưng chưa gặp được các chủ hộ. Quan điểm của huyện là sau khi kiểm tra, rà soát lại và thống nhất với từng gia đình, sẽ đi đến thống nhất hỗ trợ cho người dân”- ông Thành nói.


[Nhà đất] -Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch 1/500 Khu đô thị mới Đại Kim và Khu chức năng đô thị Trũng Kênh

CafeLand - Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng UBND quận Hoàng Mai vừa công bố và bàn giao hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Đại Kim và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500 Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp với cải tạo, chỉnh trang làng xóm cũ..

* Theo quy hoạch, điều chỉnh chức năng 8 ô đất tại Khu đô thị mới Đại Kim và giảm quy mô dân số từ 5.003 người xuống 4.575 người. Cụ thể các ô đất được điều chỉnh như sau:


Ô CC2 có diện tích 2.311m2 được điều chỉnh từ chức năng công cộng đơn vị ở sang hồ nước;

Ô đất nhà ở cao tầng CT3 có diện tích 42.673m2 nay điều chỉnh 13.639m2 sang chức năng nhà ở thấp tầng;

Ô đất nhà ở thấp tầng ký hiệu TT4 có diện tích 8.023m2 nay điều chỉnh 2.112m2 sang đất cây xanh;

Các ô đất thấp tầng TT5-1, TT5-2, TT6-1, TT6-2 giữ nguyên quy mô và diện tích, nhưng được điều chỉnh chiều cao công trình từ 3 lên 4 tầng;

Ô đất cây xanh - thể thao có ký hiệu CX, diện tích 9.192m2 được điều chỉnh 4.426m2 sang đất công cộng đơn vị ở.

* Đối với Khu chức năng đô thị Trũng Kênh, sau khi điều chỉnh tổng diện tích quy hoạch tăng lên 214.883m2 (trước là 196.110m2), quy mô dân số cũng tăng từ 3.425 người lên 5.188 người. Cơ cấu sử dụng đất sau khi điều chỉnh được quy hoạch cụ thể như sau:


Đất nhà ở cao tầng có tổng diện tích 16.580m2, gồm 3 ô đất trong đó có 10.510 đất cao tầng dành cho tái định cư, chiều cao tối đa 15 tầng. Khu đất nhà ở thấp tầng có diện tích 43.711m2, gồm 6 ô đất, chiều cao công trình tối đa 5 tầng;

Đất công trình hỗn hợp (HH1) có diện tích 7.428m2, có chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng và nhà ở, chiều cao công trình tối đa 21 tầng;

Đất công trình công cộng và dịch vụ ở bao gồm 4 ô đất, có diện tích 11.360m2, gồm các chức năng trụ sở hành chính địa phương, thương mại - dịch vụ và chợ dân sinh, nhà văn hóa, nhà hội họp…;

Đất công cộng TP có diện tích 3.490m2, được thực hiện theo dự án riêng được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Đất cơ quan (CQ) có diện tích 1.051m2, chiều cao tối đa 8 tầng;

Đất trường PTTH có diện tích 4.132m2, chiều cao công trình 5 tầng;

Đất trường học, nhà trẻ có diện tích 18.038m2, gồm 4 ô đất, trong đó có 7.078m2 đất dành để xây dựng trường THCS, còn lại xây 3 trường mầm non;

Đất cây xanh, công trình tôn giáo, TDTT và hạ tầng kỹ thuật có diện tích 31.890m2;

Đất giao thông gần 40.000m2,….

N.Đăng

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn ; Đường dây nóng: 0942.825.711.


[Giáo dục ] -Giáo sư Đào Trọng Thi: Chưa nên thay đổi cơ cấu cấp học

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đang đặt ra những thay đổi lớn với kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của chương trình, sách giáo khoa hiện hành, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục. Ngày 28/8, b ên lề Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án này , Giáo sư, Viện sỹ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã dành thời gian trao đổi với báo giới về các nội dung của Đề án.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, ông nghĩ sao về chủ trương viết sách giáo khoa theo hướng mở: một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa?

Giáo sư Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa rất đúng. Thứ nhất là nó không chỉ để huy động nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước thực hiện việc xuất bản sách giáo khoa phục vụ cho học sinh mà còn ở chỗ chúng ta huy động trí tuệ của cả xã hội tham gia công việc này, để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong việc chuẩn bị sách giáo khoa cho học sinh. Đương nhiên, chúng ta phải kết hợp trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của xã hội như thế nào để nó đạt được mục đích cao nhất.

Về chương trình, chúng ta vẫn chủ trương là một chương trình quốc gia thống nhất nhưng đã có sự tiếp cận mềm dẻo về khái niệm thống nhất này. Trước kia, chúng ta quy định chương trình cứng thống nhất trong toàn quốc và do Nhà nước thực hiện. Lần này, chúng ta thực hiện theo chủ trương chương trình quốc gia thống nhất nhưng gồm một số nội dung bắt buộc áp dụng trong toàn quốc, bên cạnh đó có nội dung liên quan đến đặc thù của các địa phương và do các địa phương chuẩn bị; đồng thời chúng ta cũng dành thời lượng để cho các cơ sở giáo dục trực tiếp xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của từng cơ sở.

Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hai phương án: Bộ chủ trì xây dựng một bộ sách giáo khoa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân viết thêm các bộ sách giáo khoa khác và phương án xã hội hóa hoàn toàn, Bộ chỉ biên soạn những sách giáo khoa mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn. Giáo sư có ý kiến gì về hai phương án này?

Giáo sư Đào Trọng Thi: Tôi thấy cần thực hiện phương án là Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra chủ động xây dựng một bộ sách giáo khoa vì hai lý do: Thứ nhất, chúng ta triển khai một lộ trình rất chặt chẽ và bởi vậy chúng ta phải chủ động chuẩn bị điều kiện. Nếu giao cho xã hội hóa mà không thực hiện được hoặc sách xã hội hóa không đáp ứng được yêu cầu, Bộ không chủ động thì chúng ta vẫn phải thực hiện và như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng. Thứ hai, cũng cần chuẩn bị một bộ sách giáo khoa cho việc thực nghiệm chương trình chúng ta xây dựng. Bởi vậy, muốn hay không vẫn phải có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị. Tôi nghĩ điều đó là cần thiết. Cũng có ý kiến cho rằng không nên chuẩn bị bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động thực hiện để đảm bảo sự bình đẳng giữa các nhà xuất bản và các tổ chức cá nhân xây dựng sách giáo khoa nhưng tôi nghĩ mục tiêu của chúng ta vì học sinh, vì chất lượng giáo dục chứ không phải vì chuyện bình đẳng giữa các nhà sản xuất. Như vậy chúng ta lại tôn trọng mục tiêu kinh doanh hơn là mục tiêu vì nhân dân, vì học sinh, vì chất lượng giáo dục. Tôi cho rằng việc đó không thể chấp nhận được. Ở đây, việc cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà sản xuất đặt xuống hàng thứ yếu. Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là học sinh, là chất lượng giáo dục. Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về 3 phương án thi, áp dụng vào năm 2015, Giáo sư nghiêng về phương án nào?

Giáo sư Đào Trọng Thi: Tôi không nghiêng về phương án nào và tôi cũng không chú trọng nhiều đến các phương án đó bởi tôi nghĩ các phương án đó không khác gì cách chúng ta đang thực hiện. Chúng ta đã bước đầu cải tiến về phương pháp, cách thức thi cử và tôi cho rằng đến thời điểm này là được, nên tiếp tục thực hiện một vài năm tới, khi nào chúng ta thay đổi về chương trình, về sách giáo khoa, về nội dung thì khi đó chúng ta mới thay đổi phương thức thi. Tôi nghĩ cũng không nên vội vã, khi đi vào đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa thì lúc đó chúng ta tiếp tục đổi mới kỳ thi, như thế vững chắc hơn.

Phóng viên: Giáo sư đánh giá thế nào về việc xác định lại cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông?

Giáo sư Đào Trọng Thi: Tài liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban thẩm tra có hai phương án, trong đó Bộ nghiêng về phương án giáo dục cơ bản là 10 năm nhưng chúng tôi thấy cũng không hợp lý. Thứ nhất là có cần thiết hay không, kéo dài một năm giáo dục cơ bản nữa có nghĩa là chúng ta kéo dài một năm giáo dục bắt buộc và phổ cập, đồng nghĩa với việc Nhà nước phải chuẩn bị một nguồn ngân sách nhiều hơn. Thứ hai nữa là thay đổi hệ thống giáo dục, trường phổ thông trung học cơ sở phải thêm một lớp, thêm giáo viên, thêm cơ sở vật chất trong khi đó trường trung học phổ thông lại ít đi một lớp, lại thừa giáo viên, thừa cơ sở vật chất, như vậy là không phù hợp. Không khéo, số lượng học sinh được vào trung học phổ thông nhiều hơn, như vậy không đáp ứng được chủ trương về phân luồng học sinh.

Hiện nay, trung học cơ sở thực hiện phân luồng, có em ra làm việc, em thì đi học sơ cấp nghề nghiệp, trung cấp nghề… và với trình độ học tập ấy thì 9 năm là quá đủ. Còn nếu em nào cần trình độ văn hóa cao hơn để các em có thể đi xa hơn vào đại học thì lúc ấy chúng ta có thể chuẩn bị thêm một năm đầu của trung học phổ thông như hiện nay. Trung học phổ thông có 3 năm thì năm đầu tiên chúng ta tiếp tục củng cố kiến thức các môn học, 2 năm cuối cùng mới thực sự phân hóa lại để chuẩn bị định hướng nghề nghiệp cho các em và tôi cho rằng lựa chọn như vậy là linh hoạt và phù hợp hơn. Nhu cầu không có mà chúng ta lại phải trả giá rất nhiều cho việc thay đổi hệ thống, thay đổi các chính sách đối với giáo dục bắt buộc, tôi nghĩ trong thời điểm hiện tại chưa nên thay đổi cơ cấu cấp học.

Phóng viên: Để đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, vấn đề nguồn lực cần đặt ra như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Đào Trọng Thi: Quan trọng nhất là nguồn lực đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Chúng ta phải đầu tư mạnh cho các cơ sở giáo dục sư phạm để họ chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, không những đáp ứng một cách bình thường cho việc triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mà phải đi trước một bước. Rất có thể đội ngũ giáo viên phải thay đổi về cơ cấu, không còn giáo viên các môn học như kiểu bây giờ nữa mà là giáo viên dạy tích hợp. Thay đổi đội ngũ giáo viên ấy phải mất ít nhất 4 năm giảng dạy trong nhà trường cộng với một số năm chuẩn bị tích lũy kinh nghiệm thì mới có thể thực hiện được nhiệm vụ. Cái thứ hai về cơ sở vật chất thì hiện theo quy định của nhà nước, cơ sở vật chất của các trường phổ thông do Ủy ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm. Bởi vậy chúng ta phải chuẩn bị cho các địa phương, Trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương khó khăn. Trung ương sẽ chỉ đạo các chuẩn, các mẫu để cho các địa phương thực hiện nhưng không tập trung vào một đề án. Sẽ không có nguồn tiền nào của ngân sách tập trung cho Đề án mà phân bổ cho các địa phương để các địa phương thực hiện.

Điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới là rất quan trọng. Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua cho thấy một phần chúng ta chưa thực hiện thành công các nội dung của Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2000 chính là chúng ta chưa chuẩn bị đồng bộ các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa. Cùng với việc chương trình, sách giáo khoa đó không phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng tiếp thu của học sinh Việt Nam, còn có chuyện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu. Chúng ta yêu cầu nội dung quá cao nhưng nguồn lực thực hiện quá thấp, thế nên dẫn đến chuyện Đề án thực hiện chưa thành công, kết quả không như mong muốn. Do vậy chúng ta phải rút kinh nghiệm, có khả năng đến đâu, thực hiện đến đó, đã thực hiện là tốt. Điều tôi lo ngại nhất là vẫn chuẩn bị các điều kiện, nhất là đội ngũ giáo viên. Chương trình có hay đến đâu mà giáo viên thực hiện không có thì cũng bằng không.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Chu Thanh Vân (ghi)


[Pháp luật ] -Cháy lớn tại thành phố Việt Trì

Khoảng 9h50 sáng nay 29.8 trên địa bàn TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vừa xảy ra một vụ hỏa hoạn tại một hộ gia đình trên đại lộ Hùng Vương, phường Tiên Cát. Hiện cơ quan chức năng đang thống kê thiệt hại sau đám cháy.


Cơ quan chức năng đang dập tắt đám cháy

Theo thông tin ban đầu, ngọn lửa bắt đầu bùng phát từ tầng 3 của ngôi nhà quảng cáo Dũng Phúc tại địa chỉ số 1483 đại lộ Hùng Vương, phường Tiên Cát, TP Việt Trì, Phú Thọ.

Một số nhân chứng kể lại, những người trong gia đình đã tháo chạy ra khỏi nhà và huy động người dân xung quanh hỗ trợ chữa cháy, đồng thời thông báo sự việc tới lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Phú Thọ.

Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Phú Thọ - cho biết: "Nhận tin báo, đơn vị đã huy động gần 70 cán bộ, chiến sĩ, 6 xe chữa cháy cùng 1 xe thang lập tức tới hiện trường. Tuy nhiên phải mất khoảng hơn 30 phút lực lượng PCCC tỉnh Phú Thọ mới khống chế được hoàn toàn đám cháy".

Đám cháy đã thiêu rụi gần như toàn bộ tầng 3 và tầng 4 của tòa nhà, rất may không có thiệt hại về người. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành việc khám nghiệm hiện trường để xác định nguyên nhân cũng như thiệt hại trong vụ hỏa hoạn trên.

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, khoảng 15h15 ngày 16.8 tại thành phố Việt Trì đã xảy ra vụ cháy lớn ở Công ty nhôm Sông Hồng khiến hàng nghìn mét vuông nhà xưởng bị cháy rụi, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ đồng.


[Giáo dục ] -Xúc động hình ảnh Giáo sư Ngô Bảo Châu đi dép lê dạy trẻ em miền núi

Hình ảnh Giáo sư Ngô Bảo Châu ăn mặc giản dị đến thăm và dạy học cho các học sinh tiểu học Lũng Luông khiến cộng đồng mạng thực sự xúc động và nể phục.

Ngày hôm nay, hình ảnh Giáo sư Ngô Bảo Châu ăn mặc giản dị, đi dép lê và vui vẻ dạy học cho trẻ em nghèo miền núi được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội Facebook.

Giáo sư Ngô Bảo Châu mặc quần áo giản dị, đi dép lê lên thăm trẻ em vùng núi.
Theo chia sẻ của nhà báo Trần Đăng Tuấn - người đã ghi lại những bức ảnh, những hình ảnh giản dị mà ý nghĩa này được chụp lại khi Giáo sư Ngô Bảo Châu đi cùng nhóm từ thiện "Cơm có thịt" lên thăm trẻ em vùng núi Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) trong những ngày vừa qua.

Hình ảnh Giáo sư Ngô Bảo Châu thăm học sinh miền núi được nhà báo Trần Đăng Tuấn chia sẻ.





Giáo sư Ngô Bảo Châu vui vẻ dạy học cho trẻ em vùng cao.




Những đứa trẻ hồn nhiên dù có thể không biết đến nhà toán học tài ba của nước nhà nhưng rất hào hứng học tập.
Từ những bức ảnh có thể thấy dù trong phòng học đơn sơ, thiếu thốn vật chất nhưng Giáo sư Ngô Bảo Châu rất vui vẻ, miệt mài dạy học cho các học sinh. Đáp lại tình cảm đó, những đứa trẻ rất hào hứng học bài.
Chia sẻ những hình ảnh giản dị về vị giáo sư tài ba của Việt Nam, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho biết: "Nhà toán học tài ba Ngô Bảo Châu ra đề toán 19+6 cho học sinh tiểu học Lũng Luông. Tôi thích hình ảnh này. Một hình ảnh ấm áp vô cùng, động viên vô cùng, tình cảm vô cùng, giản dị vô cùng."
Sau khi được chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của nhà báo Trần Đăng Tuấn, những hình ảnh cho thấy nghĩa cử cao đẹp của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nhận được rất nhiều tình cảm và nhận xét tốt đẹp từ phía cư dân mạng. Nhiều người cho rằng hành động giản dị, thầm lặng của nhà toán học tài năng đáng được ngợi ca, trân trọng.





Nhiều cư dân mạng thể hiện sự kính phục trước tấm lòng và hành động ý nghĩa của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
(Ảnh Facebook: Nhà Báo Trần Đăng Tuấn)

[Nhà đất] -Hà Nội chưa đồng thuận đổi tên cầu Nhật Tân

Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu Nghị Việt - Nhật.

Theo đó, việc đặt tên, đổi tên công trình công cộng cần thực hiện theo đúng quy trình và quy định tại Điều 16, 17 Nghị định số 91/2005/NQ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên công trình công cộng và Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).

Như vậy, HĐND thành phố sẽ có thẩm quyền quyết định đặt, đổi tên công trình công cộng có quy mô lớn; quá trình nghiên cứu việc đặt tên, đổi tên công trình công cộng phải lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và nhà khoa học, cần công bố công khai dự kiến đặt tên, đổi tên công trình công cộng để nhân dân tham gia ý kiến.

Đối với thành phố Hà Nội phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ VHTT&DL trước khi trình HĐND thành phố ra Nghị quyết để đổi tên.

[Giáo dục ] -Trường trung học "cấm nam nữ nắm tay nhau"

Khi năm học mới đang đến, một trường cấp 3 ở tỉnh Hồ Nam đã ra lệnh cấm các sinh viên nam và nữ cầm tay nhau nhằm ngăn chặn những mối quan hệ lãng mạn giữa các sinh viên.

Trường Trung học Yển Sư – một trường kiểu mẫu – thuộc thành phố Lạc Dương, tỉnh Hồ Nam đã đưa ra “tám điều cấm” để yêu cầu học sinh thực hiện bắt đầu từ học kỳ mới. Dòng chữ “vi phạm luật lệ sẽ dẫn đến bị đuổi học” được ghi ở mỗi dòng [theo sau điều cấm] - tờ Quang Minh nhật báo online ngày 25 tháng 8 đưa tin.

Những quy định mới này bao gồm “cấm học sinh yêu nhau” hay “các học sinh nam và nữ bị cấm cầm tay trong khuôn viên trường”. Nếu học sinh nào bị bắt gặp lần đầu thì họ sẽ bị “nghỉ ở nhà tự kiểm điểm trong một tuần”. Quy định nói thêm, nếu việc này bị bắt gặp lần thứ hai, họ sẽ phải nghỉ học.

Các lệnh cấm khác bao gồm học sinh “không được tổ chức tiệc sinh nhật ở trong khuôn viên trường”, cấm mang điện thoại di động tới trường cùng một số điều luật chung khác như cấm hút thuốc và uống rượu.


Các quy định mới cấm học sinh nam và nữ cầm tay nhau trên một bảng điện tử ở bên ngoài trường Trung học Yển Sư, thành phố Lạc Dương, thuộc tỉnh Hồ Nam vào tháng 8 năm 2014

Quy định được viết bằng chữ lớn trên bảng điện tử tự động đặt bên ngoài trường cũng như trên các banner dán xung quanh trường.

Phát ngôn viên của trường Trung học Yển Sư nói với phương tiện truyền thông Trung Quốc rằng “nhà trường đưa ra các quy định này là để tạo ra môi trường tốt cho việc học tập”. “Nó giúp ngăn chặn các xu hướng không lành mạnh”.

Tuy nhiên, quy định cấm học sinh nam và nữ cầm tay nhau đã gặp phải sự phản ánh đông đảo từ những cư dân mạng ở Trung Quốc, một số ý kiến gọi điều này là “chống lại nhân quyền”.


Nắm tay nhau làm mất tập trung cho các nam học sinh, theo nhà trường.

Các điều luật tương tự cũng đã được thực hiện ở một số nơi khác tại Trung Quốc. Lấy ví dụ, các điều luật ở trường Đại học Xương Hà thuộc thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang các học sinh nam và nữ không được phép cặp kè với nhau và phải giữ khoảng cách tối thiểu là nửa mét.

Trường Trung học Sở Tài ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cấm giảng viên nữ mang vớ màu đen hay xịt nhiều nước hoa để tránh “làm mất tập trung cho các nam học sinh”.

Hồng Hoa