Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

[Kinh tế] -Người thầy đặc biệt của thợ cơ khí Việt Nam

(Xây dựng) - Năm 1999, khi tôi vừa chập chững vào làng báo công tác trong ngành Xây dựng ông Nguyễn Văn Huyền đã là một cây cao bóng cả của ngành cơ khí xây dựng, chèo lái DN đầu đàn của TCty COMA. Người ta nói, sự thăng hoa của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thụ với những dấu ấn đẹp như một huyền thoại, đưa TCty COMA lên vị trí “Nhà chế tạo cơ khí xây dựng hàng đầu Việt Nam”, sẽ không thể bay bổng như vậy nếu như không có sự đóng góp của DN chủ lực COMA 2.



Ông Nguyễn Văn Thụ (bên phải) và ông Nguyễn Văn Huyền trao đổi công việc cùng các cán bộ của COMA.

Người khởi nguồn cuộc cách mạng “từ nhà máy ra công trường”

Từ ngày còn đương chức đến tận bây giờ cũng vậy, lần nào gặp nhau câu chuyện của hai ông cũng nở như pháo ran và đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ! Ông Thụ có nét phong lưu của kẻ sang, ông Huyền mộc mạc, nho nhã nhưng khi đã “song kiếm hợp bích” thì đánh đâu thắng đấy!

Ông Thụ khẳng định: Cuộc đời tôi vô cùng may mắn khi gặp được người cộng sự đắc lực như ông Huyền. Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, ông về làm thủ lĩnh TCty COMA vào giai đoạn nền kinh tế phát triển, cơ hội việc làm cho ngành cơ khí xây dựng khá nhiều. Bản thân ông đi tới đâu là đụng việc tới đấy, lợi nhuận cũng vô cùng hấp dẫn. Ngặt nỗi, lực bất tòng tâm, các DN thành viên khi ấy lực lượng mỏng, thiếu và yếu từ sĩ quan đến thợ. Lần Tổng giám đốc ký hợp đồng nhận lắp đặt công trình điện tháp dầu khí Vũng Tàu với mức giá rất hấp dẫn, đích thân ông tổ chức bữa nhậu mời 6 lãnh đạo DN đến ăn uống vui vẻ. Nhưng khi trao đổi công việc thì cả 6 DN đều lảng và chối. Lý do đơn giản vì công trình xa quá, không thể tổ chức đưa quân đi được. Ngành cơ khí xây dựng bao lâu nay chỉ quen ngồi trong xưởng chờ việc tìm người.

Không ít lần dở khóc dở cười như vậy và may mắn cho ông khi gặp Giám đốc Nguyễn Văn Huyền. Ông Huyền khi ấy đóng quân trên đất Bắc Giang, mộc mạc như ông giáo làng, không biết ăn nhậu mà chỉ đau đáu một mong ước: Làm thế nào có nhiều việc làm; Làm thế nào để đời sống người lao động được nâng lên, trang bị được nhiều máy móc thiết bị giải phóng sức lao động…

Năm 1996, người COMA mà cụ thể là chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Huyền lần đầu tiên dẫn quân vào công trình nhà máy đường Thạch Thành, đánh dấu sự phát triển vượt bậc, từ nhà xưởng bước ra công trường. Nhắc lại kỉ niệm này, ông Huyền vẫn cười mủm mỉm kể. Lần đó tình cờ “nghe lỏm” được câu chuyện ông Thụ trăn trở với Phó tổng giám đốc Quế về hợp đồng ký trong tầm tay chế tạo bồn bể cho Nhà máy đường mà chỉ lo không có đơn vị nào làm nổi, ông Huyền về triệu tập quân sĩ COMA 2 nghiên cứu, thống nhất, quyết tâm nhận việc này.


Sau “hội nghị Diên Hồng” đó, đích thân ông Huyền lên đề xuất với Tổng giám đốc, chỉ xin vay 100 triệu sắm một chiếc cẩu thanh lý để thi công. Ông hứa chắc nịch nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ xin…từ chức.

Ông Thụ như mở cờ trong bụng, vì ai chứ ông Huyền đã nhận làm chắc chắn sẽ thành công, nên quyết định phá lệ, không bàn bạc với bà xã, xuất tiền tích cóp của gia đình cho COMA 2 vay. Ông Huyền và đoàn quân thiện chiến trên chiếc xe tải xóc nảy người vào Thanh Hóa dựng lều lán, thuê nhà dân để triển khai công việc. Kỳ tích của người COMA ở công trình này là đạt kỷ lục về sản phẩm có khối lượng lớn, chế tạo bồn bể dung tích tới 12.000 khối, lần đầu tiên áp dụng việc hàn tổ hợp bảo đảm yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt cho sản phẩm đặc thù, chịu áp lực lớn. Nhiều sáng kiến kỹ thuật áp dụng thành công từ công trình này như: dùng hệ thống gá đỡ lắp những tấm tôn lớn trên mặt phẳng đứng để thi công bồn bể được áp dụng cho nhiều công trình có giá trị đến tận hôm nay. Đặc biệt riêng khoản hời từ việc thiết kế chế tạo thành công chiếc máy lốc tôn đầu tiên sử dụng cho công trình này với giá thành 120 triệu đồng, bằng 30% máy nhập khẩu cũng thừa sức trả nợ khoản vay ân nghĩa giữa hai vị Tổng giám đốc và Giám đốc Cty. Sau thắng lợi công trình Thạch Thành, COMA 2 dư sức “lên đời”chiếc xế hộp Mazda, thay cho những ngày sà sã với chiếc xe tải, chở từ quản đốc đến công nhân mặc áo mưa, ngồi trên đống thiết bị bi nghiền, vượt khó đến với công trường.

Pho cẩm nang sống về cơ khí xây dựng

Ở tuổi thất thập, mặc dù sức khỏe không tốt nhưng Giám đốc Nguyễn Văn Huyền đã kịp cho ra đời kho tài sản vô cùng quý giá là 5 cuốn sách về cơ khí xây dựng. Cuốn sách gần đây nhất là cuốn “Sổ tay 1269 cơ cấu máy và dụng cụ chọn lọc” xuất bản tháng 5/2014 được ông nghiên cứu và viết trong hoàn cảnh sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Ông đã tính đến tình huống xấu nhất khi ông không kịp thực hiện xong cuốn sách nên di chúc gửi gắm lại cho bạn ông - GS.TS Nguyễn Văn Diệp, Nguyên Viện trưởng Viện cơ học Việt Nam và PGS.TS Hoàng Tùng - Trưởng khoa hàn Trường ĐH Bách khoa sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Cũng may là điều đó không xảy ra, cuốn sách ra đời được các kỹ sư đón nhận như một cẩm nang quý giá cho nghề cơ khí. Đây cũng là cuốn sách về cơ cấu đầu tiên bằng tiếng Việt. Toàn bộ nhuận bút do Nhà xuất bản Xây dựng trả, ông mua sách dành tặng cho thư viện của Trường ĐH Bách khoa. Đáng khâm phục nhất là ông tự mày mò học sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm photoshop để thực hiện các hình vẽ về cơ cấu. Mỗi cơ cấu là một hình vẽ. Ông bảo: “đơn cử như chi tiết vẽ khớp tĩnh vốn là màu đen mà sơ suất để trắng thì sẽ sai lệch hoàn toàn”. Thế nên công tác biên tập, chỉnh sửa cũng đòi hỏi vô cùng công phu.

Những cuốn sách của ông không phải là các vấn đề về lý thuyết mà là những kiến thức, kinh nghiệm được nghiên cứu và đúc rút chọn lọc, phục vụ cho những người có chuyên môn thực sự. Không biết những cuốn sách đó có ý nghĩa như thế nào với xã hội nhưng chỉ biết ông Huyền là người thày, người anh cả của cả một thế hệ Vàng các cán bộ cốt cán của COMA và các đơn vị thành viên hôm nay như: Tổng giám đốc COMA Dương Văn Hồng, Phó Tổng giám đốc Trịnh Nam Hải, Giám đốc COMA 26 Đào Đức Thọ, Giám đốc COMA 2 Nguyễn Hướng Dương…năng động, vững vàng và chịu khó.

Nhìn vóc dáng gày gò, ốm yếu của ông, tôi càng thực sự kính nể và khâm phục sức sống bền bỉ, dẻo dai đã dưỡng cho những đam mê, nhiệt huyết cháy bỏng, dâng cho đời những tinh hoa trí tuệ của một người xây dựng Việt Nam .

Dương Hồng Diên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét