Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

[Xã hội] -Chuyển biến bước đầu

KTĐT - Chiều 28/7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri là trí thức Thủ đô về chuyên đề "Một năm thực hiện Luật Thủ đô". Để chuẩn bị cho nội dung chuyên đề này, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiến hành khảo sát tại 11 quận, huyện, sở, ngành của TP.
Tiếp tục cụ thể hóa quy định trong Luật Thủ đô Tập huấn công tác phổ biến Luật Thủ đô

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao Bằng khen cho thủ khoa xuất sắc năm 2013. Ảnh: Hoàng Thanh
Trong đề dẫn, GS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội đánh giá, một năm qua, bằng tâm huyết của mình, đội ngũ trí thức Thủ đô đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các kế hoạch, quy hoạch, các dự án, đề án phát triển của Thủ đô trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời tích cực, chủ động nghiên cứu, đưa ra những phương án, đóng góp thiết thực, khả thi giúp TP giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tế đặt ra. Từ khi Luật Thủ đô được ban hành, HĐND và UBND TP đã ban hành 16 quyết định, quy định về chính sách để thực hiện các Điều 7, 11, 12, 13, 15, 16, 18, 19 và 20 của Luật. Trong đó có những chính sách cụ thể về cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, Luật Thủ đô đã được tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến với từng hộ gia đình.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển - nguyên Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, chuyển biến trong năm đầu thực hiện Luật Thủ đô mới chỉ là bước đầu. Cần nhìn thẳng vào thực tế để có quyết tâm cao hơn, với những bước đi thích hợp, khắc phục khó khăn và nắm bắt cơ hội. Điều ông Nguyễn Đức Khiển băn khoăn là cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa khẳng định ngành nào là ngành công nghiệp mũi nhọn và sản phẩm nào là sản phẩm chủ lực của Thủ đô (?).
Liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội dẫn chứng về nhiều vấn đề cần được xem xét, chú trọng hơn trên cơ sở đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức để phát huy hiệu lực của Luật Thủ đô. Đó là việc thể chế hóa Điều 23 Luật Thủ đô để xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Hà Nội với các bộ, ngành T.Ư, nhất là với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trọng điểm Thủ đô. Nhiều vấn đề trên địa bàn Hà Nội chưa thể thực hiện được như yêu cầu của Luật Thủ đô và cả các kế hoạch trước đó đã đặt ra nhưng không phải "lỗi" của Hà Nội, không phải Hà Nội muốn làm là được. Bên cạnh đó, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần xây dựng các thể chế để đảm bảo gắn kết giữa bảo tồn và phát triển, quy hoạch nông thôn mới và tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND TP.
Cùng với các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh như dự án nước sạch sông Đà, quy hoạch đô thị, giao thông… chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô sẽ được HĐND TP xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm 2014 cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến. Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Quản lý chiến lược và kế hoạch - Tập đoàn FPT đặt câu hỏi: Hà Nội có vai trò gì trong sự chuyển biến, trong tiến trình toàn cầu hóa? "Bây giờ không còn là lúc để bàn về việc làm phần cứng, chíp điện tử… Việt Nam đã vào WTO 11 năm, nếu không thay đổi tư duy về khoa học công nghệ, chúng ta sẽ không thoát được bẫy thu nhập trung bình" - ông Hòa nói.
Các ý kiến đóng góp của trí thức Thủ đô đã được Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội ghi nhận và cho biết sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đưa Luật đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét