Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

[Pháp luật ] -Nhập khẩu, sử dụng thiết bị y tế cũ nát: Ai chịu trách nhiệm?

* Thiết bị y tế cũ nát lậu đang nằm "an toàn” trong nhiều bệnh viện tuyến huyện, núp dưới hình thức cho mượn máy



Người dân cần máy xét nghiệm tốt chứ không phải là máy cũ nát Ảnh: Hoàng Long
Coi thường tính mạng người bệnh
Ngày 28-7, trao đổi với Đại Đoàn Kết, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Bệnh viện đa khoa Thường Tín (Hà Nội) với mức tiền 30 triệu đồng. Lý do Sở Y tế Hà Nội phạt Bệnh viện đa khoa Thường Tín là do đơn vị này đã "mượn” máy xét nghiệm sinh hóa tự động (nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19) của Công ty TNHH Phú Cường An (đơn vị chuyên nhập khẩu các máy xét nghiệm sinh hóa), đặt tại Khoa Xét nghiệm để sử dụng. Điều đáng nói là máy xét nghiệm sinh hóa tự động Hitachi mà Bệnh viện đa khoa Thường Tín "mượn” đã cũ nát và quá date tới... gần 20 năm.
Thôi thì có quá date, nhưng nếu là hàng "xịn”, tức là được nhập khẩu hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ đàng hoàng thì người bệnh cũng tạm yên tâm. Song, cả Bệnh viện đa khoa Thường Tín và công ty cho thuê máy đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của chiếc máy xét nghiệm sinh hóa tự động Hitachi này. Để bao biện cho hành vi coi thường mạng sống người bệnh của đơn vị mình khi sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa tự động trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, đại diện Bệnh viện đa khoa Thường Tín cho rằng, việc đơn vị "mượn” chiếc máy Hitachi 717 từ các "đối tác” do các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp đang bị hỏng, trục trặc không sử dụng được.
Theo Sở Y tế Hà Nội, với việc sử dụng máy sinh hóa đã quá cũ nát này sẽ dẫn đến việc chẩn đoán bệnh không chính xác, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Sự coi thường tính mạng bệnh nhân của Bệnh viện đa khoa Thường Tín chỉ bị phát hiện khi đoàn công tác liên ngành, gồm: Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Sở Y tế Hà Nội, Công an huyện Thường Tín tiến hành kiểm tra tại đơn vị này. Cùng với quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng, Sở Y tế Hà Nội cũng đã tịch thu và tiêu hủy chiếc máy xét nghiệm sinh hóa tự động Hitachi mà Bệnh viện đa khoa Thường Tín "mượn” của "đối tác”, vì đây là loại thiết bị không rõ nguồn gốc, dòng thiết bị quá cũ (chính nhà sản xuất đã tuyên bố "khai tử” từ những năm 1997 - PV) và bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam.



Người bệnh rất cần những chiếc máy xét nghiệm đạt chuẩn Ảnh: Hoàng Long
Thiết bị y tế cũ nát tràn lan
Nghiêm trọng hơn, không chỉ Bệnh viện đa khoa Thường Tín "mượn” thiết bị y tế cũ nát, rất nhiều bệnh viện tuyến huyện tại các tỉnh đã dùng chiêu thức này để cấu kết với các công ty chuyên kinh doanh thiết bị y tế tuồn hóa chất vào bán lấy tiền ăn chia lợi nhuận. Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 7-2013 Bệnh viện đa khoa Thường Tín đã chuyển tiền mua hóa chất cho công ty TNHH Phú Cường An lên tới 1,2 tỷ đồng. Không chỉ có Cty TNHH Phú Cường An cho Bệnh viện đa khoa Thường Tín và một số bệnh viện tuyến huyện khác tại các tỉnh "mượn” máy xét nghiệm rồi tuồn hóa chất vào, mà có khá nhiều doanh nghiệp cũng đang thực hiện việc gian dối này. Đơn cử như Bệnh viện đa khoa Thạch Thành (Thanh Hóa) cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện "mượn và” sử dụng thiết bị y tế cũ nát, quá date tới hơn một thập kỷ.
Trước đó, lực lượng Hải quan cả nước liên tục phát hiện nhiều lô hàng thiết bị y tế phế thải nằm trong danh mục cấm nhập khẩu đã được "phù phép” thành hàng "đập hộp” tuồn vào trong nước cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh. Cụ thể, một lô hàng thiết bị y tế quá date bị lực lượng Hải quan bắt giữ là của Công ty TNHH Kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân. Số hàng này được công ty Bảo Trân dán mác là hàng nhập khẩu mới 100%, gồm: Máy soi dạ dày, máy scan Xquang có xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico đã bị thải loại, thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam, thậm chí có loại máy móc được dừng sản xuất từ những năm 1997. Tiếp đó, lô thiết bị y tế quá date do Công ty TNHH thương mại và kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A Việt Nam nhập khẩu cũng đã bị Hải quan bắt giữ. Mới đây, lực lượng Hải quan lại phát hiện lô hàng của công ty TNHH Việt Nam DBB là máy xét nghiệm sinh hóa tự động đã qua sử dụng...
Trên thực tế, những công ty này đã nhập khẩu nhiều thương vụ nhưng không bị phát hiện. Lần theo đường đi của những thiết bị y tế cũ nát đã nhập lậu vào Việt Nam, có thể thấy chúng đang nằm "an toàn” trong nhiều bệnh viện tuyến huyện, núp dưới hình thức cho mượn máy. Như vậy là điều lo lắng của dư luận về nguy cơ kết quả xét nghiệm không chính xác do hệ thống máy móc không đảm bảo đã trở thành hiện thực khi mà cơ quan chức năng đã "sờ gáy” được khá nhiều đơn vị y tế sử dụng các thiết bị y tế quá cũ nát này.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Từ bài học nhỡn tiền của Bệnh viện đa khoa Thường Tín, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai mở rộng việc kiểm tra đối với các cơ sở y tế khác trên địa bàn có hành vi sử dụng thiết bị y tế quá date, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Song, cho dù có quyết tâm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng không thể đủ lực lượng, thời gian để "căng” ra thanh tra, kiểm tra toàn bộ các đơn vị y tế trên địa bàn khi mà thiết bị y tế quá date đang tràn lan. Điều này khác gì "bắt cóc bỏ đĩa”, hay so sánh một cách ví von, hình tượng là gốc đã mọt ruỗng ra rồi mà vẫn chỉ cố công cắt những cành héo úa.
Hơn nữa, nếu chỉ có Sở Y tế Hà Nội vào cuộc mà các tỉnh thành khác làm ngơ, hoặc thiết bị y tế quá date vẫn "tự do” nhập khẩu vào Việt Nam và tự do tuồn vào các bệnh viện, thì e rằng sự quyết liệt đó sẽ trở thành "quyết quá rồi liệt luôn”. Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc thiết bị y tế quá date tràn lan trong các cơ sở khám chữa bệnh? Với vai trò quản lý nhà nước, Vụ Trang thiết bị công trình y tế (Bộ Y tế) có trách nhiệm như thế nào?
Tìm hiểu của Đại Đoàn Kết cho thấy, những chiếc máy xét nghiệm sinh hóa cũ nát bị lực lượng Hải quan thu giữ đều gắn mác sản xuất của Hãng Diamon (Mỹ) "mới 100%”, đồng thời những lô hàng này đều được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu về Việt Nam. Điều đáng nói là sau hàng loạt lình xình về thiết bị y tế quá date, Bộ Y tế lại tiếp tục cấp phép cho Công ty TNHH y tế Mindray Việt Nam nhập khẩu máy theo dõi bệnh nhân và phụ kiện, trong khi Hội đồng khoa học chưa họp, chưa duyệt. Không chỉ riêng Mindray Việt Nam, mà có khá nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế khi Hội đồng khoa học chưa họp bàn. Điều này cũng dễ hiểu khi mà Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn còn lập ra Công ty CP đầu tư Hoàng Nguyên và một số doanh nghiệp "sân sau” do con trai, em trai và em vợ ông này đứng tên chuyên kinh doanh thiết bị y tế.
Chữa bệnh không trị tận gốc e rằng khó có thể khỏi bệnh, dễ dẫn đến biến chứng gây nguy hại cho một cơ thể khỏe mạnh.
Lê Anh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét